Ẩm thực Việt Nam đang ngày càng khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế. Sự đa dạng cũng như cầu kì trong mọi món ăn, từ khâu chuân bị đến chế biến tạo nên nét riêng biệt. Trong số đó phải kể đến một thành phẩm truyền thống, gắn liền với biết bao thế hệ đó là bánh in. Công thức thực hiện đơn giản nhưng mang ý nghĩa đặc biệt gắn liền với thời kì phát triển đất nước. Hãy cùng chúng tôi khám phá điều gì làm nên nét đẹp truyền thống đáng quý này.
Nguồn gốc bánh in
Bánh in là một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác và được ép, đúc thành khuôn mặt đáy của bánh khó khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc. Đây là loại bánh để dùng trong ngày Tết, phục vụ việc thờ cúng và đãi khách. Do giá trị rẻ nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Bánh in thường được thờ trên bàn thờ tổ tiên ngày cúng Tất niên hay để trong các hộp mứt mời khách ngày Tết, bánh tháp được kết từ nhiều bánh in nhỏ dùng thờ cúng Phật, bánh nếp có khắc hình hoa sen ăn thơm, dẻo thường được đặt trên các bàn cúng tối 30 Tết, bánh măng mắc nhất nên đặc biệt được dùng để đãi khách sang, bạn bè trong ngày Tết…
Cho đến nay, nghề làm bánh in ở làng Kim Long đã trải nhiều thế hệ. Hiện đã có thêm nhiều thứ bánh khác có tên, hình dáng khác nhau nhưng vẫn một hương vị chủ đạo là đậu xanh và đường như: bánh hột sen, bánh tháp, bánh ngũ sắc… Người dân đã kết hợp thêm hương vị mới như nếp: bánh nếp; nếp-dừa-mè: bánh măng; nếp-bột tro-đậu xanh: bánh ít đen… Loại bánh in đậu xanh (xưa nhất), người làm phải qua các công đoạn là đãi đậu – nấu đậu – đánh đậu – giã đậu – in bánh – sấy bánh – gói bánh bằng giấy bóng.
Một phần kí ức nhiều thế hệ
Cuối tháng giêng, bạn thời niên thiếu đang ở phương xa nhắn tin: “Nhà còn bánh in không vậy?”. Những con chữ trên màn hình điện thoại tựa tiếng chuông ngân trong cõi nhớ.
Ngày giêng hai, gió se sẽ và nắng luênh loang. Đêm, hơi lạnh lượn lờ như mùa đông cố nán lại chốn nhân gian. Bếp quê đỏ lửa, mọi người lui cui làm bánh vì ngày bận ra đồng. Hầu hết các loại bánh quê đều qua lửa mới đậm đà hương vị. Có loại phải qua đến bảy lần nên gọi là bánh bảy lửa. Với bánh in, không nhiều như thế nhưng cũng qua đến ba lần mới đủ độ thơm ngon, ăn để mà nhớ.
Gạo nếp trắng tinh đem vo sạch qua nước rồi để ráo, cho lên chảo đất, rang trên bếp lửa bập bùng. Những hạt nếp nổ tí tách nghe thật vui tai khiến con trẻ quẩn quanh bên mẹ. Khi gạo nếp chuyển sang màu vàng nhạt, tỏa hương thơm thì nhấc khỏi bếp rồi đổ ra nồi và đậy kín nắp. Những lượt rang tiếp nối giữa tiếng cười nói trẻ thơ.
Công thức đơn giản
Nếp rang được xay thành bột mịn tỏa hương thơm dịu nhẹ. Cho đường vào nồi và bắc lên bếp, sên đường trên lửa nhỏ. Lát sau, đường dẻo thơm thì nhấc xuống, chờ nguội rồi trộn đều với bột nếp. Sau đó, cho bột vào khuôn rồi nhận chặt, dùng thanh tre vót mỏng gạt phẳng. Lót giấy mỏng trên chiếc nia tre rồi úp khuôn, dùng thanh gỗ gõ nhẹ để bánh rơi nằm gọn trên giấy.
Những hình ảnh chạm khắc trên khuôn: rồng, phượng, khóm trúc… in trên bánh nền trắng trông thật đẹp mắt. Khi kín bánh, lấy thêm nia úp lên trên rồi đặt lên cà tăng (vỉ đan bằng mây hoặc tre) quây tròn quanh trã (nồi đất nông và rộng miệng) than lửa để sấy khô trước khi cho vào thùng kín.
Sang tháng hai, người dân trong làng í ới gọi nhau ra đồng gặt lúa. Lúc giải lao, họ mời nhau thưởng thức bánh in giữa cánh đồng lộng gió. Lũ trẻ chúng tôi cũng mang theo bánh in khi lùa bò lên gò đồi sau buổi đến lớp. Những miếng bánh dân dã được chuyền tay nhau. Bột mịn màng ngấm đường ngọt lành, đọng rất lâu trong miệng, phảng phất hương vị làng quê. Nhấp ngụm nước mát từ chiếc bi đông đeo bên hông, gương mặt rạng ngời giữa chiều xuân tỏa nắng.
Nguồn: Thanhnien.vn