Bất động sản, Thông tin Bất động sản

Cơn sốt đất ven sông Hồng, con dao hai lưỡi?

Cơn sốt đất ven sông Hồng

Những thông tin liên quan đến quy hoạch đất ven sông Hồng tại Hà Nội đã tạo nên cơn sốt đất tại đây đến 200%.

Theo những thông tin của giới chuyên gia, tờ trình quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 40km. Theo đó, điểm bắt đầu từ Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Dự kiến tháng 6 Hà Nội sẽ phê duyệt dự án. Những khu vực đất tăng giá cao liệu có mang lại giá trị, lợi nhuận cho người dân, hay cò đất? Đây liệu có là mỏ vàng hay là con dao 2 lưỡi?

Quy hoạch phân khu sông Hồng

Quy hoạch phân khu sông Hồng

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Đồ án quy hoạch sông Hồng có diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha. Trong đó đất bãi sông chiếm 50% tổng diện tích (khoảng 5.480ha), sông Hồng chiếm 3.600ha.

Theo đề xuất, có 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408ha). Quy hoạch phân khu sông Hồng dự kiến được phê duyệt quy hoạch vào tháng 6.

Theo định hướng, các bãi sông này sẽ xây khu đô thị mới hiện đại; khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Vì là bãi sông nên các công trình được thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng…

Khu vực Bắc Cầu – Bồ Đề, Long Biên – Cự Khối và những bãi còn lại tùy theo địa hình. Vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở; với các loại hình công viên – quảng trường đô thị. Công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp vị trí các bãi sông.

Lượt tìm kiếm và giá cả tăng đột biến

Lượt tìm kiếm và giá cả tăng đột biến

Sau khi có thông tin về quy hoạch sông Hồng; giao dịch mua bán đất nhiều khu vực thuộc vùng quy hoạch như Đông Anh, Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức… trở nên rất sôi động. Nhiều nhà đầu tư và môi giới đổ về đây tìm xem đất đã đẩy giá tăng lên. Nhiều thửa đất chỉ sau thời gian ngắn đã tăng giá 15-20%. Nhiều mảnh nằm sâu trong ngõ hẻm nay cũng tấp nập người đến xem.

Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản – Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giá đất Hà Nội được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn – ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng 100%, đột biến tăng 200%.

Tàm Xá – Xuân Canh thuộc huyện Đông Anh là khu vực xây dựng với tỷ lệ lớn nhất. Giá đất mặt tiền khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) đã tăng lên hơn 51-69 triệu/m2. Dù cuối năm 2020 chỉ khoảng trên dưới 30 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) cũng tăng giá từ 40-45 triệu đồng/m2. Hồi giữa năm 2020 lên 55-70 triệu đồng/m2.

Thông tin báo chí phản ánh, tại khu vực quận Long Biên, một mảnh đất trong ngõ thuộc phường Cự Khối được rao bán giá 55 triệu/m2. Trong khi giá trước đó chỉ 40-45 triệu đồng/m2. Giá bán khu vực Thạch Cầu là 30-40 triệu đồng/m2; khu vực phường Ngọc Thuỵ là 30-50 triệu đồng/m2 đối với khu vực ngõ 2-3m và 100-120 triệu/m2 nhà mặt đường.

Giới đầu tư đổ xô vào thị trường

Mức độ quan tâm tại các khu vực hai bên sông Hồng cũng tăng đột biến. Theo báo cáo quý 1/2021 mức độ quan tâm tại khu dân cư và bãi Thượng Cát – Liên Mạc tăng 291%. Các bãi Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 tăng 137%. Bãi Long Biên – Cự Khối tăng 75%; bãi Bắc Cầu tăng 73%, bãi Tàm Xá – Xuân Canh tăng 27%…

Thông tin giá đất tăng kéo theo hàng loạt nhà đầu tư nhảy vào thị trường. Đang tìm mua đất tại Hoài Đức để đầu tư, anh Mạnh T. chia sẻ: “Tôi thấy nhà đầu tư F0 chứng khoán và bất động sản đều đang tăng lên. Vì không có kinh nghiệm nên tôi chọn tìm mua một mảnh đất để đó. Dân số tại Hà Nội hiện vào khoảng 8,3 triệu người. Nhưng trong đó mới chỉ có khoảng 49% là dân số đô thị. Mua đất chắc là thế nào cũng có lãi”.

Tuy nhiên, về cơn sốt đất này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, dưới góc độ thị trường, việc tăng giá đất sẽ phải tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư. Nếu quy hoạch mới là chủ trương, bản vẽ thì mức tăng 3-5% là hợp lý. Việc giá đất tăng quá cao sẽ là “con dao 2 lưỡi” cản trở sự phát triển ở những khu vực này. Bởi khi đó, chi phí đầu tư phát triển hạ tầng sẽ tăng lên khiến doanh nghiệp phải cân nhắc.

Giới đầu tư đổ xô vào thị trường

Cẩn trọng trước khi đầu tư

Nhận định về hiện tượng tăng giá thời gian gần đây tại một số khu vực ven sông Hồng; các đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 mới là bước đầu. Hãy lưu ý, từ quy hoạch cho đến triển khai thực hiện là một quá trình rất dài. Ở những dự án lớn như vậy thì có khi tới vài chục năm mới có tín hiệu triển khai thực tế.

Hiện, các quận huyện vẫn chưa điều tra, khảo sát tình trạng đất khu vực quy hoạch sông Hồng. Nên người dân cần thận trọng trước khi đầu tư. Đặc biệt, các thông tin giá đất “tăng dựng đứng” có thể là hiện tượng thổi giá. Các nhà đầu tư “nhảy” vào mua đất những khu đất này sẽ như “đánh bạc”.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định, những cơn sốt đất ảo mang lại nhiều hệ lụy nhưng nó cũng phản ánh được sức hấp dẫn khó cưỡng của phân khúc đất nền; cùng với đó là tâm lý ưa chuộng đầu tư đất của người Việt. Thực tế, bên cạnh những cơn sốt đất ảo chớp nhoáng thì cũng có những cơn sốt đất thật đáng đầu tư. Do đó, quan trọng nhất là tâm lý nhà đầu tư không đầu tư theo “bầy đàn”. Đặc biệt cần có sự tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhanh nhạy của thị trường để xuống tiền hợp lý.

Nguồn: Batdongsan.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *