Đời sống, Sống đẹp

Tinh thần hào sảng, nghĩa tình của người dân Sài Gòn

Người Sài Gòn

Người ta cứ nói người Sài Gòn giàu lắm. Phải công nhận người Sài Gòn “giàu” thật, họ giàu cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Người dân Sài Gòn không chỉ phóng khoáng hào sảng và đối xử tốt với người thân trong gia đình mà họ còn rất tốt với cả những người xa lạ, những người dân tứ xứ tha phương cầu thực hay những cô bé, cậu bé sĩ tử trong mùa thi cử.

Họ sẵn lòng mở rộng cửa chào đón các sĩ tử từ mọi vùng quê, nhường giường của mình và tặng các phần ăn miễn phí. Nhiều hộ gia đình đã nấu hàng ngàn phần cơm miễn phí đưa đến phân phát cho các sĩ tử trong mùa thi…Có không ít những người nghệ sĩ hay những đêm nhạc được tổ chức lấy số tiền bán vé làm từ thiện, ủng hộ giúp đỡ cho các vùng thiên tai lũ lụt… hay sự xuất hiện của các bếp ăn từ thiện cho những người vô gia cư. Những xuất ăn miễn phí dành tặng cho các bệnh nhân và người thân nuôi bệnh nhân ở các bệnh viện nhỏ lớn trong thành phố. Tấm lòng của người Sài Gòn luôn luôn đẹp và có ấn tượng tốt trong suy nghĩ của người dân mọi miền đất nước và mong sao người dân nơi đây cứ “giàu” mãi mãi như thế.

Vẻ đẹp muôn hình vạn trạng

Vẻ đẹp của mỗi thành phố, chả riêng gì Sài Gòn, thật muôn hình vạn trạng. Càng sống, càng gắn bó, càng hiểu thành phố này đẹp nhất, dễ thương nhất, đằm sâu nhất không phải những thứ bề mặt vậy, mà chính là con người. Nhất là lòng tốt tự nhiên giản dị của người Sài Gòn. Trên đường phố Sài Gòn, rất dễ gặp những thùng nước uống từ thiện (trà đá, nước đá lạnh, nước lọc) cho người nghèo đỡ cơn khát

Vẻ đẹp muôn hình vạn trạng

Ông bạn cùng “nhập tịch” Thành phố Hồ Chí Minh với tôi cách nay đã gần nửa thế kỷ, chính xác là 44 năm, chốt lại bằng câu chắc nịch như vậy. Đó là thu hoạch từ mắt thấy tai nghe, lòng cảm nhận trực tiếp sau hơn nửa đời gắn bó với thành phố yêu thương, sôi động, nghĩa tình.

Quán cơm 2000

Thành phố Hồ Chí Minh dễ thương là nơi khởi đầu của những quán cơm 2.000, mà người chủ trương là nhà báo kỳ cựu Nam Đồng cùng bè bạn ông.

Quán cơm 2000

Cơm 2.000, giá ấy chỉ có tính tượng trưng, thực chất là từ thiện gần như miễn phí đối với bà con có hoàn cảnh khó khăn, những sinh viên nghèo thiếu thốn, người nhập cư chưa có việc làm ổn định, bé bán vé số, chị ve chai, anh phụ hồ… Sau hàng loạt quán cơm như vậy, đã phát sinh thêm những biến thể đáng yêu như bánh mì miễn phí, phở từ thiện… Họ làm việc tốt không phải để cầu danh. Hầu hết người Sài Gòn, dù giàu hay nghèo, người có chức vị lẫn người bình thường, đều vậy. Thậm chí làm việc tốt xong rồi… quên.

Bình nước miễn phí

Ở đây, đã từ lâu mọi người quen với hình ảnh thùng nước uống miễn phí bên đường dành cho người qua lại. Hớp nước cho người nghèo, người lỡ độ đường trong cái nắng gay gắt thật quý biết bao. Một cô là chủ công ty nhỏ, hàng xóm nhà tôi, kể cho tôi nghe có lần đang đi trên đường Võ Văn Tần (Q.3), xe dừng khi đèn đỏ, cô thấy có thùng nước từ thiện ven đường, mấy người bán vé số và bán hàng rong đang xúm xít uống. Về nhà thì bắt chước làm thôi.

Bình nước miễn phí

Sắm thùng inox, ly inox, đặt ở gốc cây cửa nhà, đưa ra hôm trước, hôm sau thì mất. Chưa kịp mua cái khác, đành dùng tạm thùng nhựa. Bữa sau có người (bí ẩn) kín đáo đem đến trả lại chiếc thùng inox ấy, cả 2 cái ly nữa, kèm theo mấy chữ xin lỗi viết nguệch ngoạc sai chính tả. Việc làm tốt đẹp đầy tình người của cô đã lay động cả suy nghĩ của người có hành vi sai trái. Từ đó trở đi, thùng nước để suốt từ sáng đến tối trước nhà, chẳng ai trông coi, không hề dây xích khóa mà chả hề suy suyển.

Việc tốt lan rộng khắp các ngõ ngách

Không khó gì khi ta muốn tìm tòi những vẻ đẹp lòng tốt của người dân thành phố này. Đâu đó dễ bắt gặp những bác thợ sửa xe quần áo lấm đầy dầu mỡ; chân tay đen đúa sạm nắng; hì hụi làm việc trong “tiệm” dưới gốc cây ven phố; kèm tấm biển đề “sửa xe miễn phí cho sinh viên”.

Lại nhớ sinh viên, nhất là sinh viên quê nông thôn, vốn nghèo. Luôn là đối tượng được các nhà hảo tâm Sài Gòn quan tâm chăm chút. Cho ăn cơm 2.000, sửa xe miễn phí; rồi có cả một bác ở gần khu đại học TP Thủ Đức sắm chiếc xe ba gác máy; chỉ làm “nhiệm vụ” chuyên chở đồ miễn phí cho sinh viên. Xe bị mất, có ngay những nhà hảo tâm bình dân khác giúp tiền mua xe mới để lòng tốt tự nhiên không bị đứt đoạn.

Việc tốt

Trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, trong dãy cửa tiệm sáng trưng sạch sẽ lộng lẫy; có một salon hớt tóc đẳng cấp chả kém những nhà cùng phố; nhưng dựng ngay gốc cây trước cửa tấm bảng to đề dòng chữ thật dễ thương “Hớt tóc miễn phí cho những người bán vé số, ve chai, người nghèo, người già cô đơn”. Những việc làm nhỏ ấy đã sưởi ấm biết bao con người trong lúc khó khăn nhất. Thế mới thấy cuộc sống đẹp biết bao khi còn những tấm lòng nhân ái.

Những con người trọng tình, trọng nghĩa

Thương xót người cần lao, trọng nghĩa trọng tình, đất Nam Bộ. Nhất là Sài Gòn có những con người đầy chất Lục Vân Tiên, phóng khoáng, rộng mở, hào hiệp. Lại cộng thêm tấm lòng bao dung, nhân ái vốn có của người dân nước Việt. Thật đáng cho chúng ta ngưỡng mộ, yêu thương!

con người trọng tình

Người Sài Gòn không phải ai cũng giàu, cũng còn rất nhiều người nghèo. Không phải rằng trong số những người đóng góp làm từ thiện là những người giàu cả. Nhưng hễ có thiên tai xẩy ra nơi đâu là nhà nhà đóng góp, từ phường; trường học; công sở; đến các quỹ từ thiện; đến các cơ sở tôn giáo… ai ai cũng muốn làm một cái gì đó để đóng góp. Và chỉ mong sao là những đồng tiền họ bỏ ra nhanh chóng đến được tận tay người đang rất cần nó. Họ đúng là những con người sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”; hay “ một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Người Sài Gòn làm từ thiện

Người Sài Gòn làm từ thiện

Người Sài Gòn đi làm từ thiện thì họ quan niệm phải làm từ tâm chân chính. Có tiền thôi chưa đủ mà phải có tâm tận tụy; đến tận nơi để hiểu về con người, vùng đất ấy. Và phải chịu khổ đi phát tận nơi, tận tay những người cần được nhận; có sự chứng kiến, giám sát của chính quyền địa phương. Hình thức phát là thông qua các phiếu; đã được chính quyền địa phương, thôn xã, làng bản nơi đó; phát cho những người trong diện được nhận quà. Và người phát quà sẽ thu lại các số phiếu khớp với phần quà được phát. Không gởi lại quà ở ủy ban mà phát hết, phát ngay tại chỗ; phát tận tay và công bố công khai những gói quà ấy; cho tất cả những người được nhận biết họ nhận được bao nhiêu về số lượng; giá trị của gói quà. Người Sài Gòn làm từ thiện là vậy. Có nhiều, nói nhiều, có ít nói ít, nói thật. Cho dù gói quà đó rất ít về giá trị vật chất; nhưng rất thật về tấm lòng.

Nguồn: Tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *